Đọc báo cùng IFO

Câu chuyện về 1 tiếp viên hàng không, một cặp vợ chồng trí thức và một bạn trẻ làm thêm để kiếm tiền học đại học và cả một cặp vợ chồng đã tìm ra cơ hội giữa đại dịch. Đó là vài trong số muôn vàn những phận người đang phải đối phó với đại dịch

Show Notes

Mất việc giữa đại dịch

Đã ba tháng, Lê Phương Anh không đụng tới bộ đồng phục tiếp viên hàng không bởi Covid-19 khiến công việc của cô đóng băng vô thời hạn.

Cô gái 27 tuổi này chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào tình trạng "không biết tương lai thế nào". Những năm trước, cô bay khoảng 80-100 tiếng mỗi tháng. Năm 2020, con số này còn 20 tiếng. Năm 2021, mọi chuyện còn tệ hơn.

Ba tháng không bay đồng nghĩa với ba tháng không lương bởi thu nhập của Phương Anh tính trên số giờ làm việc thực tế. Từ năm ngoái, khoản tiền tính cho mỗi giờ bay cũng giảm.

Để bám trụ thủ đô, Phương Anh xin chủ nhà giảm 30% tiền phòng trọ. Từ chỗ "tiêu không cần nghĩ" nay cô chỉ dám mua đồ giảm giá, kể cả nhu yếu phẩm. Những đợt Hà Nội nắng nóng cao điểm, thay vì mở điều hòa cả ngày, cô chỉ dám bật 30 phút. "May mà gần đây, gia đình bảo không phải gửi tiền về quê nên sức ép tiền nong nhẹ được đôi chút", cô gái chia sẻ.

Tuy khó khăn nhưng Phương Anh hiếm khi than thở. "Trong dịch bệnh, hàng triệu người khác cũng khó như mình", cô nói. Gần 13 triệu lao động mất việc, giãn việc, giảm thu nhập hoặc giảm giờ làm vì làn sóng dịch thứ tư, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tháng 7/2021. Sáu tháng đầu năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,1 triệu, tăng 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên toàn cầu, bức tranh lao động, việc làm cũng không sáng hơn. Tháng 1/2021, báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, số người mất việc lên tới 114 triệu. "Đây là mức cao chưa từng có tiền lệ", báo cáo viết và cho biết thêm, mức tổn thất số giờ làm việc đã cao gấp 4 lần cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Dịch vụ là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất, kể cả những ngành dịch vụ đòi hỏi chuyên môn cao như Phương Anh đang làm.

Phan Huy Anh là một nhân viên phục vụ, mất việc từ tháng 4/2021 đến nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thuộc nhóm tri thức thành thị, vợ chồng anh Trần Huy, chị Lê Thu Huyền ở huyện Nhà Bè (TP HCM) tưởng chừng dễ xoay xở trong mùa dịch nhưng vẫn có những đêm bật dậy giữa chừng vì lo lắng.

Anh Huy là trưởng phòng nhân sự của một công ty may mặc, được cho nghỉ tạm thời từ tháng 6. Từ đó đến nay, thu nhập của người đàn ông 40 tuổi gần như bằng không. Chị Huyền thành trụ cột gia đình nhưng số tiền nữ thạc sĩ 30 tuổi kiếm được cũng "giảm thê thảm".

Chị Huyền từng là giáo viên tiếng Trung của một trường chuyên ở Hải Phòng. Từ ngày chuyển vào Sài Gòn cách đây hai năm, chị chỉ dạy ở nhà. Covid-19 khiến các học viên bớt khả năng chi trả và hứng thú với ngoại ngữ. Hơn thế, những người ngành khác và sinh viên mới ra trường cũng mất việc và xoay qua đi dạy, thậm chí phá giá, khiến nữ giáo viên khó càng thêm khó.

Chị Huyền ước tính thu nhập của hai vợ chồng giảm 70% so với trước dịch. Nếu tình trạng này kéo dài, họ sẽ phải tiêu lẹm vào khoản tiết kiệm vốn để dành cho kế hoạch chữa hiếm muộn.

Trong khảo sát nhanh về việc làm và thu nhập người lao động do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Báo điện tử VnExpress thực hiện đầu tháng 8 trên gần 70.000 người, trong đại dịch chỉ có hơn 45% giữ nguyên thu nhập, gần 19% giảm nửa thu nhập và 4,5% mất 80% lương.

Giảm thu nhập không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu mà còn tước đi cơ hội cải thiện nghề nghiệp, đặc biệt với người từ 15 đến 24 tuổi. "Đây là nhóm rất dễ bị tổn thương và khó phục hồi do Covid-19", tiến sĩ Bạch Ngọc Thắng, giảng viên kinh tế thuộc Viện Phát triển bền vững, Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định.

Phan Huy Anh, nhân viên phục vụ của một nhà hàng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) là một ví dụ. Chàng trai sinh năm 1999 định đi làm vài năm tích cóp tiền học đại học. Nhưng cuối tháng 4, nhà hàng chỉ được phép bán mang về. "Người ta chẳng cần nhân viên bưng bê nữa nên em đành nghỉ việc", Huy Anh thừa nhận kế hoạch theo học khóa về quản trị nhà hàng - khách sạn để đổi đời đã "vỡ tan tành".

"Bình thường, số lao động trẻ có trình độ cao thất nghiệp đã khoảng 15-16%. Trong bối cảnh đại dịch, tỷ lệ này còn cao hơn nữa", ông Thắng nói. Vị chuyên gia bổ sung, người trẻ sau khi ra trường cần khoảng 3-5 năm mới ổn định. Do Covid-19, thời gian này sẽ kéo dài hơn và dễ đẩy họ vào tình trạng thoái chí, mất động lực cho tương lai.

Bị gánh nặng tài chính đè lên vai, người lao động phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, người thân, công ty, tổ chức từ thiện, Nhà nước. Hãng hàng không của Lê Phương Anh cứ ba tháng lại hỗ trợ nhân viên 800.000 đồng. Với những người không còn gia đình như Huy Anh hay không thể trông chờ vào doanh nghiệp như vợ chồng chị Huyền, sự hỗ trợ của Nhà nước càng trở nên cấp thiết. Từ năm ngoái đến giờ, dù đã đăng ký nhiều lần, họ đều chưa nhận được khoản tiền nào từ các gói cứu trợ 62.000 nghìn tỷ và 26.000 nghìn tỷ đồng.

Mong muốn lớn nhất của Phương Anh, Huy Anh và vợ chồng chị Huyền là "được đi làm trở lại" nhưng họ chẳng biết khi nào. Theo tiến sĩ Bạch Ngọc Thắng, khả năng phục hồi thị trường lao động tùy thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến dịch bệnh, độ phủ vaccine, cách thích ứng của đất nước.

Điều đáng lưu ý là do đại dịch, xu hướng chọn việc làm sẽ thay đổi. "Xu hướng có thể dịch chuyển sang những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, các xu hướng tự tạo việc làm, tự doanh, làm việc tại nhà cũng sẽ nổi lên", tiến sĩ Thắng dự báo.

Trong cuốn Tương lai sau đại dịch Covid-19, tác giả Jason Schenker, chủ tịch Viện Tương lai học (Mỹ) cho rằng trên phạm vi toàn thế giới, con người sẽ lựa chọn những công việc thuộc nhóm thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng và những công việc có thể làm từ xa. Thực tế thời gian qua đã cho thấy, lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chuỗi cung ứng đã và đang bị quá tải trong đại dịch.

Để tăng cơ hội trong trong thị trường lao động cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiến sĩ Thắng khuyên mỗi người trau dồi khả năng thích ứng, linh hoạt của bản thân và tự đào tạo, thậm chí đào tạo lại. Một số cá nhân có thể cần thay đổi quan điểm, suy nghĩ về việc làm. Ông Schenker thì nhấn mạnh sự quan trọng của việc "phải có những lựa chọn". "Suy thoái lấy đi những lựa chọn và bạn cần tìm cách tạo ra những lựa chọn mới", nhà tương lai học viết.

Tạo ra những lựa chọn mới cũng là điều Huy Anh và Phương Anh đang thực hiện. Một tháng nay, Huy Anh biến sở thích xem bài tarot qua mạng thành nghề kiếm sống. Số tiền chỉ khoảng hai triệu một tháng nhưng ít nhất cũng đủ tiền thuê nhà. Phương Anh thì mới xin làm part time cho một siêu thị mini gần phòng trọ, "thu nhập không cao song được chừng nào hay chừng đó".

Đại dịch lại bất ngờ giúp một số người tìm thấy cơ hội khởi nghiệp, chẳng hạn như vợ chồng Phạm Đức Duy, Âu Thùy Dương ở quận Long Biên (Hà Nội).

Đôi vợ chồng cùng sinh năm 1991 từng kinh doanh cửa hàng cho thuê váy cưới. Cuối năm 2020 họ phải đóng cửa do việc kinh doanh quá ảm đạm. Rảnh việc, Duy phụ một người bạn làm trong xưởng bánh mì, thấy thích nên tranh thủ học nghề.

Đang nuôi hai con nhỏ nên hai người biết mình nhất định cần tìm ra lối thoát. Đầu năm 2021, họ mở một tiệm bánh online. Nhà sẵn dụng cụ nên hai vợ chồng chỉ cần đầu tư nguyên liệu. Tiệm bánh vừa bán được hai tuần thì gặp dịch, ông bà chủ lại chưa nhiều kinh nghiệm nên suốt bốn tháng, doanh thu chỉ ở mức "trả tiền điện là hết".

Bước ngoặt đến vào tháng 8 khi họ nảy ra ý định làm bánh mì đông lạnh. Bánh nướng non nên khách không cần rã đông, chỉ nướng 5-10 phút là ăn được. Một set năm cái giá 20.000 đồng.

Anh Phạm Duy Anh đang làm bánh mỳ đông lạnh trong căn bếp nhà mình, đầu tháng 9/2021. Nhờ nghề mới này vợ chồng anh đã có nguồn thu nhập khá ổn định sau gần một năm khó khăn vì Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sản phẩm này gây một cú sốc cho ông bà chủ. "Riêng ngày đầu, chúng tôi đã bán được 300 - 400 cái, chưa tính những đơn không thể chuyển đi do thiếu shipper", chị Dương cho biết. Có những khách sẵn sàng trả 100.000 đồng tiền ship để lấy 15 set bánh. Một tháng trở lại đây, mỗi ngày, tiệm bánh của vợ chồng chị Dương bán ra đều đặn 500 - 700 cái, thu về tiền triệu. Hai vợ chồng đứng bếp từ 5h đến 20h vẫn làm không kịp trả.

Thay vì cảm giác mịt mù, giờ anh Duy và chị Dương đã thấy hy vọng. Họ đang nghiên cứu thêm các loại bánh đông lạnh khác và đặt mục tiêu thành lập công ty chuyên mặt hàng này, đi đến phân phối cho siêu thị.

"Chúng tôi còn mò mẫm, nhưng thế nào cũng phải tiến lên phía trước", chị Dương bộc bạch.

Minh Trang


What is Đọc báo cùng IFO ?

Chuyên mục đọc báo với các tập mới hàng ngày nơi đội ngũ IFO sẽ đem đến bạn những bài viết đáng quan tâm dành cho giới trẻ về các vấn đề xã hội.