Đọc báo cùng IFO

Đón dân

Bài viết của tác giả Cẩm Hà -Chuyên viên truyền thông đăng tải trên Vnexpress

Show Notes

Cuối tháng sáu, tôi ra Hà Nội, dự định chỉ ở hai tuần nhưng rồi đã ăn đủ ba cái rằm.

Gia đình tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội thăm người thân sau khi lỡ hẹn dịp Tết cộng thêm giải quyết chút công chuyện. Tôi xách theo một vali chưa tới bảy cân, nhẩm tính "chừng mươi hôm rồi về".

Lúc đó, Sài Gòn chưa tới 200 ca Covid mỗi ngày, nhưng e ngại dành cho người Sài Gòn hiển hiện. Các cơ sở lưu trú từ chối tiếp nhận khách Sài Gòn. Sau vài ngày tá túc nhà người thân, chúng tôi thuê tạm một căn hộ nhỏ. Tôi gọi điện cho bà ngoại, bà chủ động đề xuất không cần tới thăm. "Bà vẫn khỏe. Các cháu yên tâm. Bà sẽ làm đồ ăn gửi cho", bà nói.

Thế rồi Sài Gòn bước vào phong tỏa hai tuần từ ngày 9/7. Chúng tôi dự kiến tình hình ổn sẽ quay về. Nhưng mọi việc leo thang không ai ngờ. Các chuyến bay nội địa dừng hẳn. Hà Nội áp dụng chỉ thị 16. Nơi tôi ở, bốt gác, rào chắn, dây xanh đỏ giăng mắc. Sau một tháng, chủ nhà chào đón chúng tôi "lên cấp" thành khách dài hạn bằng cách giảm chút đỉnh tiền thuê nhà.

Mỗi lần Thủ đô chuẩn bị ra chỉ thị chống dịch mới, cả nhà tôi lại thấp thỏm. Sau vài lần thất vọng, chúng tôi dừng đếm mỗi khi hai tuần trôi qua, chỉ nhớ mình đã kịp trải qua rằm tháng 6, lễ Vu Lan và rằm trung thu ở một căn nhà xa lạ. Chúng tôi thi thoảng hát để chia sẻ với những mất mát Sài Gòn gánh chịu.

TP HCM mở cửa lại, tôi thắp lên niềm hy vọng, hoặc có thể đưa mẹ ra Hà Nội, hoặc có thể trở về. Mẹ tôi đã một mình chống chọi với dịch suốt ba tháng qua. "Đã có chuyến bay về chưa con", mẹ luôn miệng hỏi. Chị gái tôi trầm ngâm: "Có khi phải tới Noel".

Tôi biết có nhiều người cùng cảnh với mình. Một hàng xóm của tôi tạm biệt vợ con ra Thanh Hóa công tác vào đầu tháng bảy năn nỉ "nếu anh chị về, bằng cách nào cũng được, cho em bám theo với". Một người bạn ở Mỹ về tới Quảng Ninh ba tuần trước và nay vẫn lang thang trong vườn của khách sạn cách ly vì không có chuyến bay. Tôi cũng nghe về dịch vụ ô tô "thông chốt" xuyên Việt, tất nhiên, chúng tôi không muốn mạo hiểm.

Lãnh đạo Hà Nội giải thích nguyên nhân chưa vội mở cửa đường sắt, cầm chừng mở lại đường hàng không là bởi năng lực cách ly của thành phố hiện là 110.000 người. Với dự tính 90 chuyến bay tới Nội Bài mỗi ngày, thành phố không thể đáp ứng nhu cầu cách ly tập trung. Trước đó, thành phố cũng đề nghị Cục Hàng không làm rõ tiêu chí được bay ở những vùng đang có dịch, yêu cầu phải có sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của chính quyền nơi đến - một kiểu giấy đi đường "chim bay".

Dẫu vậy, chúng tôi biết rằng mình vẫn còn may hơn rất nhiều người trong dòng xe cuồn cuộn về quê, bất chấp sương gió của hành trình hàng nghìn km. Sau gần bốn tháng tá túc trong lòng một thành phố trọng thương, mong muốn được nương náu trong vòng tay người thân, được che chở bởi vùng đất thân thuộc không có gì chính đáng hơn.

Những cuộc hồi hương sẽ không bị dán nhãn "tự phát" nếu có sự chủ động sớm của chính quyền các địa phương kèm sự thông suốt của hoạt động vận tải nội địa. Nút thắt có lẽ nằm ở "án treo" lơ lửng về trách nhiệm người đứng đầu nếu để dịch lây lan. Vùng xanh dường như đã trở thành một ranh giới mà nhiều lãnh đạo địa phương, bộ ngành ngần ngại bước qua.

Tuy nhiên, nhận thức về dịch đã thay đổi. Bộ Y tế chủ trương người F0, F1 có thể tự cách ly, chữa trị tại nhà nếu không có triệu chứng nặng. Những người hồi hương hoàn toàn có thể được chính quyền cấp cơ sở quản lý tại chính nơi cư trú với hỗ trợ của bà con chòm xóm. Cá nhân hóa phòng dịch, chia nhỏ ra để quản sẽ dễ hơn nhiều loay hoay với bài toán cách ly tập trung và xét nghiệm đại trà vô cùng tốn kém. Một số tỉnh đã để người hồi hương tự cách ly tại nhà.

Hôm qua, tôi nhờ mẹ lấy thêm đồ chuyển ra Bắc, sẵn sàng đón mùa đông Hà Nội. Trớ trêu là bưu điện trả lời bưu cục nơi tôi ghi địa chỉ nhận "không làm việc". "Ở Hà Nội, chỉ quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm nhận đồ từ TP HCM. Quận Đống Đa không tiếp nhận.", cô nhân viên giải thích.

Dặn mình tiếp tục kiên nhẫn, nhưng tôi e nhiều người khó có đủ điều kiện để chờ đợi thêm. Họ có thể lại lựa chọn lao đi trên chiếc xe máy cà tàng bất chấp mùa mưa bão để về nhà.

Thủ tướng vừa ra công điện chỉ đạo các tỉnh đón dân về quê vì đó là nhu cầu chính đáng. Liệu ngành Giao thông Vận tải cùng các vị tư lệnh tỉnh, thành có quyết đoán cung cấp những phương tiện công cộng cho người về quê, dù đã muộn?

Bộ Giao thông và các tỉnh hoàn toàn có thể tận dụng các chuyến tàu, xe khách đang bị nằm bãi suốt mấy tháng qua để chuyên chở người hồi hương. Nếu thiếu kinh phí hoạt động, tôi tin các tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp vận tải, người dân sẵn sàng chung tay đóng góp để đồng bào đang trên đường cảm thấy mình không bị bỏ rơi.

What is Đọc báo cùng IFO ?

Chuyên mục đọc báo với các tập mới hàng ngày nơi đội ngũ IFO sẽ đem đến bạn những bài viết đáng quan tâm dành cho giới trẻ về các vấn đề xã hội.