ĐỌC BÁO Daily Podcast with Tada


Tối 8/9, một ngày sau khi bão Yagi quét qua miền Bắc, hồ thủy điện Thác Bà vẫn yên bình. Mực nước vẫn thấp hơn mức trung bình khoảng 0,5 m. Hai cửa xả mặt đã được mở trước để đón lũ, giúp lượng nước xả ra gấp đôi so với nước về hồ. Dòng sông Chảy thanh bình như suốt 53 năm kể từ khi công trình thủy điện này được xây dựng.
Tuy nhiên, lúc 23h, tình hình chuyển biến căng thẳng. Dòng lũ tăng nhanh từ 500 lên 1.310 m³/s.
"Hai tiếng tiếp theo, lũ tăng chóng mặt", ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện Thác Bà, kể lại. "Trong 38 năm làm việc tại đây, tôi chưa từng chứng kiến điều gì như vậy".
Dự lệnh phá đập Thác Bà
Chỉ số lũ trên màn hình theo dõi "tăng nhanh như đồng hồ đếm giây". Đến 1h sáng, lưu lượng lũ đã đạt 4.305 m³/s, vượt qua ngưỡng thiết kế tối đa là 3.000 m³/s và khả năng xả lũ của hồ là 3.200 m³/s.
Tình hình nguy cấp, ông Quyền lập tức báo cáo Cục trưởng Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, xin phép mở cửa xả mặt thứ ba nhằm giảm mực nước trong hồ.
Được chấp thuận mở cửa xả lúc 6h, ngay trong đêm, hai xe gắn loa phóng thanh chạy dọc bờ sông hạ du thông báo người dân di tản. Trời vừa hửng sáng, ba cửa xả của Thác Bà đồng loạt mở, nhưng cũng chỉ đạt công suất 2.600 m3/s - ít hơn lượng về hồ hơn 400 m3/s. Mực nước hồ vẫn tăng 3 cm mỗi giờ.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong ngày 9/9 khi mưa vẫn trút xuống thượng lưu sông Chảy.
2h sáng 10/9, lưu lượng nước lũ đã tăng tới gần 5.000 m³/s, bước vào cảnh báo cấp một.
9h, lũ sông Thao lên tới hơn 87 m, vượt kỷ lục tồn tại 53 năm. Lượng nước về hồ đạt cực đại 5.620 m3/s - gấp đôi mức thiết kế ban đầu. Hồ chuẩn bị lên mức báo động hai khi đạt 59,65 m.
"Lượng nước về hồ lúc này đã vượt đỉnh lũ thiết kế khi xây dựng năm 1971 của công trình với tần suất 10.000 năm mới có một lần", ông Quyền kể. "Lúc này, thủy điện rơi vào tình cảnh nguy nan chưa từng có. Nếu nước tiếp tục đổ về với lưu lượng như thế, chỉ 12 tiếng sẽ lên mức 61 m, đập chính có thể vỡ, gây ra thảm họa cho hạ lưu".
10h sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tức tốc từ Hà Nội lên Thác Bà. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, lựa chọn cuối cùng là phá đập phụ số 4 tại huyện Yên Bình để cứu đập chính.

Bộ NNPTNT họp bàn phương án phá một đập phụ với công ty và chính quyền địa phương. Ảnh: Công ty thuỷ điện Thác Bà
Trong lúc Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp xin ý kiến Thủ tướng, huyện Yên Bình chủ động sơ tán hơn 3.000 hộ dân, hoàn thành trước 10h ngày 11/9.
"Thủy điện Thác Bà ngàn cân treo sợi tóc", Thứ trưởng Hiệp kể. "Nếu đập chính vỡ, 3 tỷ m3 nước từ hồ Thác Bà sẽ tràn xuống sông Chảy, ra sông Lô, mực nước tại Yên Bái tăng thêm ít nhất 3 m. Như vậy thì tàn phá rất khủng khiếp".
Thủ tướng ngay lập tức họp với các tỉnh liên quan, chỉ đạo di dời hơn 10.000 dân trong 4 tiếng. Các địa phương xung quanh được lệnh giảm bớt lượng nước xả trên các hồ. Đập số 4 sẽ phá nếu mức nước hồ tăng lên 61 m trong chiều 11/9.
"Công tác chuẩn bị đã được UBND tỉnh phối hợp với Quân khu 2 và Sư đoàn 316 thực hiện theo kế hoạch. Đập số 4 được bảo vệ nghiêm ngặt", ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà thuật lại.
Cuộc họp giữa UBND huyện Yên Bình (Yên Bái), Công ty Thuỷ điện Thác Bà và các xã, thị trấn về quyết định di dân hạ du trước phương án phá đập, đêm 10/9. Nguồn: Công ty Thuỷ điện Thác Bà
May mắn, 5h sáng 11/9, lưu lượng nước về hồ đã giảm xuống còn 3.570 m³/s.
"Nhìn nước về hồ giảm, tôi và hàng trăm con người ba đêm thức trắng ở thủy điện Thác Bà thở phào. Có lẽ ông trời thương nên dự lệnh phá đập phụ đã không trở thành động lệnh", Giám đốc Công ty Thủy điện xúc động nói.
Dù tình hình tại Thác Bà và các đập thủy điện còn lại được kiểm soát, lượng mưa như trút từ hoàn lưu bão Yagi cùng nước lũ đổ về từ thượng nguồn vẫn khiến hạ du chìm trong đợt ngập lụt chưa từng thấy trong hơn 5 thập kỷ.
Hạ du ngập lịch sử 53 năm
Một tuần sau bão, toàn miền Bắc căng mình chống chọi với thiên tai bủa vây. Trong khi thượng nguồn các sông hứng chịu lũ quét, sạt lở và nỗi lo vỡ đập, ngập lụt lan rộng khắp các tỉnh hạ nguồn.

Là trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội nằm ở hạ nguồn của lưu vực sông Hồng - Thái Bình. Những ngày sau bão, lượng mưa lớn khiến mực nước thượng nguồn tất cả sông đều lên ngưỡng báo động ba, mức cao nhất trong thang báo động lũ. Thuỷ điện Thác Bà và Tuyên Quang - 2 trong 4 hồ chứa lớn nhất sông Hồng - phải mở toàn bộ cửa xả.
17h ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội chỉ còn dưới báo động ba 28 cm. Những bãi hoa màu trù phú ven sông bị ngâm trong dòng nước đục phù sa. Nước tràn vào nhiều khu dân cư gần chân cầu Long Biên, ngập đến nửa mét.
Anh Tiến, chủ một vườn đào Nhật Tân, nhìn xuống vườn nhà từ trên cầu, chỉ còn thấy màu nước nâu bùn phủ khắp. "Vườn đào cả gia đình dày công chăm sóc suốt 8 năm coi như bỏ", anh nói.
Mãi đến chiều 13/9, lũ mới bắt đầu rút. Những cây đào dần lộ trên mặt nước, trơ trụi, chỉ còn thân cây, lá đã nhuộm bùn, khô dần dưới nắng. Không đi ủng, cũng chẳng buồn xắn quần, anh Tiến lội chân trần vào vườn đào nhầy nhụa bùn non.

Một tuần sau bão Yagi, làng đào Nhật Tân ven sông Hồng, dưới chân cầu Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) trở nên xơ xác. Những gốc đào chuẩn bị cho Tết Nguyên đán bị nước lũ nhấn chìm sâu 3-4 m. Ảnh: Ngọc Thành
Một tuần sau cơn lũ lịch sử, anh Tiến vẫn cố cứu những gốc đào còn hy vọng sống. Ở mép vườn, hàng tấn lục bình từ sông tấp vào, phủ kín thân đào, có đoạn cao quá đầu người. Cả nhà hì hục kéo từng mẻ lục bình ra mép nước, đẩy ra sông. Cả tiếng đồng hồ, không ai nói với nhau lời nào.
"Ở làng này, nhà nhiều thì hàng nghìn gốc, nhà ít cũng vài trăm, thiệt hại đâu riêng nhà mình", anh Tiến rít một hơi thuốc lào, nói lúc nghỉ ngơi. Việc dọn dẹp, chặt cành, đốt gốc, làm lại đất sẽ mất cả tháng, tốn hàng trăm triệu đồng. Mỗi cành đào huyền thân to bằng cổ tay có thể bán được 2-3 triệu đồng nếu hoa nở đúng dịp Tết, nhưng giờ tất cả đã tan tác.

Anh Nguyễn Văn Tiến, 35 tuổi, thôn Bắc, cụm 4, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trước khu vườn gần một ha trồng 1.000 cây đào bị chết do lũ, tháng 9/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Cơn lũ lịch sử đã biến cả cánh đồng dưới chân cầu Nhật Tân thành bãi hoang. Trong ký ức của người Hà Nội, trận lũ năm nay gợi lại trận lụt lịch sử năm 1971. Nhưng khác trước, giờ đây diện tích trồng đào ở Nhật Tân đã lên đến 78 ha, phần nửa tan hoang sau lũ.
Cạnh làng đào Nhật Tân, 70% diện tích trồng quất của người dân làng Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng bị hư hại. Toàn Hà Nội có trên 11.600 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại nhiều nhất các tỉnh phía Bắc, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai.
Không riêng Hà Nội, miền Bắc ngập lụt ở quy mô chưa từng thấy. Các khu vực thấp trũng cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ đều chìm trong biển nước. Ít nhất 20 trên 25 tỉnh, thành Bắc Bộ ghi nhận tình trạng ngập lụt cục bộ hoặc diện rộng. Thiệt hại lúa, hoa màu lớn nhất 20 năm qua.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trận lũ lần này lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua tại lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Ông đánh giá, các địa phương chưa bảo vệ được không gian thoát lũ trên sông khiến nhiều nơi ngập kéo dài. Công tác tuần tra, canh gác đê tại một số địa phương cũng chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến 751 sự cố.
Theo ông, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn bất cập, dẫn đến việc cắt lũ không đáp ứng yêu cầu. Tình huống khẩn cấp ở hồ Thác Bà cho thấy quy định hiện nay về thẩm quyền và quy trình xử lý trong tình huống khẩn cấp còn thiếu cụ thể, gây lúng túng trong ứng phó.
"Đây là bài học đắt giá cho các địa phương", ông nói.

Thành phố Thái Nguyên chìm trong nước lũ, ngày 10/9. Ảnh: Đại Phong

What is ĐỌC BÁO Daily Podcast with Tada ?

Các bạn đang lắng nghe Đọc báo Daily Podcast, mình là Tada, người thích và vẫn giữ thói quen đọc báo mỗi ngày. Hi vọng bạn sẽ thích những bài báo mà mình tuyển chọn hàng ngày vào 9h tối trên Đọc báo Daily Podcast của Tada.